Trường hợp thứ nhất: Rao bán nhà giá cao vì không cần bán!
Khi bạn thấy trên thị trường xuất hiện một bất động sản được rao bán với mức giá cao gấp 2, hay thậm chí gấp 3 lần mặt bằng giá chung. Vượt qua kỷ lục giá từng được xác lập thì khả năng rất cao đây chỉ là mức giá ảo. Chủ nhân của bất động sản không hề có nhu cầu muốn bán.
Vậy chủ sở hữu nhà đất đăng bán vì mục đích gì? Việc đưa ra mức giá như vậy như một lời thách thức đối với tất cả các đối tượng cần mua. Có thể chủ sở hữu đăng bán với tâm lý cầu may, “bán được thì may mắn, còn không thì cũng chả sao”. Hoặc đơn giản chỉ vì cho vui, vì thích.
Nhưng vô tình việc đăng bán một cách vô tội vạ như vậy đã tạo ra các thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn thị trường.
Việc rao bán nhà với giá cao vô tội vạ dễ khiến thị trường bị nhiễu loạn thông tin
Trường hợp thứ hai: Rao bán nhà giá cao nhằm tạo ra các cơn sốt ảo và “xả” hàng nhanh
Thực tế đây là chiêu trò mà giới buôn bất động sản rất hay áp dụng. Mục đích là đẩy mặt bằng giá chung lên cao, tạo ra các cơn sóng bất động sản ảo.
Ban đầu đối tượng hoặc một nhóm đối tượng sẽ chọn một hoặc một vài căn nhà làm mẫu. Đây thường là các căn nhà đẹp, đắc địa (đối với nhà phố thường là các căn góc có hai mặt tiền). Sau đó chào bán ra thị trường với mức giá tăng đột biến trên một tuyến đường, con hẻm, khu dân cư.
|
Việc rao bán căn nhà mẫu với mức giá cao như vậy nhằm thiết lập lại mặt bằng giá tham chiếu mới cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, các đối tượng còn có thể lan truyền một số tin đồn có lợi về khu vực đó, thường liên quan đến cơ sở hạ tầng hoặc một dự án lớn nào đó được triển khai. Kết quả là thị trường xuất hiện làn sóng đầu tư đổ xô về khu vực này, với mặt bằng giá cao hơn hẳn.
Lúc này, các đối tượng ung dung xả hàng tồn của mình ra thị trường mà lại còn được giá hơn hẳn. Và nhanh chóng rút lui êm thấm trước khi thị trường bị đóng băng do “bong bóng giá” vỡ.
Nhiều trường hợp các đối tượng cố tình tạo làn sóng sốt đất ảo để đẩy hàng nhanh trước khi bong bóng bất động sản vỡ
Trường hợp thứ ba: Rao bán giá cao vì biết khách bắt buộc phải mua
Trường hợp này thường rơi vào các bất động sản sở hữu vị trí chiến lược đặc biệt, vô cùng quan trọng. Có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cá nhân khác, bắt buộc họ phải sở hữu bất động sản này bằng mọi giá. Và chủ sở hữu vốn có của nó tha hồ hét giá thỏa thích.
Ví dụ: Bất động sản đó là mảnh ghép cuối cùng còn sót lại của một dự án hoặc cụm nhà cần hợp khối. Hay mảnh đất được rao bán với giá gấp 4, 5 lần giá thị trường nhưng chủ đầu tư vẫn phải cắn răng mua vì nó là vị trí huyết mạch, cần phải có mới có thể triển khai làm đường dẫn vào dự án được.
Trường hợp thứ tư: Rao giá cao nhằm đánh lạc hướng đơn vị định giá
Với trường hợp này, đối tượng bị nhắm đến của làn sóng tăng giá đột biến không phải là người mua nhà thông thường, mà là ngân hàng và các đơn vị định giá. Bởi lẽ khi thẩm định, định giá nhà đất có một quy tắc phổ biến đó chính là đối chiếu giá thị trường. Đây chính là kẻ hở các đối tượng có thể lợi dụng.
Các đối tượng sẽ tiến hành tung hỏa mù bằng cách rao bán nhà đất trong khu vực với mức giá cao ngất ngưởng, cao hơn giá trị thật vài lần trong thời gian dài để làm sai lệch mặt bằng giá trong khu vực. Dẫn đến việc định giá cho bất động sản của các đối tượng tại một thời điểm ngắn hạn sẽ thiếu chính xác.
Không chỉ người mua bị ảnh hưởng mà ngân hàng và các đơn vị định giá cũng bị nhắm tới
Mục tiêu của chiêu trò này là nhằm đánh lạc hướng ngân hàng, các đơn vị định giá. Từ đó sẽ tiến hành cho vay với dòng vốn cao hơn bình thường. Và đây cũng là lý giải cho mối liên hệ mật thiết giữa những cơn sốt đất với nợ xấu bất động sản tại nhiều ngân hàng.